Lịch sử Quân_đội_Nhân_dân_Lào

Sau Thế chiến thứ hai, chính quốc Pháp hầu như kiệt quệ, trông mong vào việc khai thác tài nguyên từ các thuộc địa cũ để phục hồi. Tuy nhiên, ở thuộc địa cũ tại Đông Dương, vùng tài nguyên trù phú nhất của thực dân Pháp, lại trỗi lên phong trào độc lập do Việt Minh lãnh đạo, với nòng cốt là những người Cộng sản Việt, Lào và Campuchia, tập hợp trong tổ chức chính đảng Đảng Cộng sản Đông Dương, chống lại bất kỳ ý đồ nào của người Pháp hòng đưa Đông Dương trở lại vị thế thuộc địa.

Ban đầu, cuộc chiến tranh giữa thực dân Pháp và phong trào độc lập Đông Dương chủ yếu chỉ bùng mạnh mẽ ở trên lãnh thổ nước Đại Nam xưa. Nhằm mở rộng chiến trường và làm phân tán nguồn lực của người Pháp, các nhà lãnh đạo Cộng sản Đông Dương đã quyết định mở rộng quyền lãnh đạo và tự chủ kháng chiến cho mỗi nước, hình thành các đảng cộng sản và thành lập các đội quân vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của đảng đó để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.

Tại Lào, vào ngày 20 tháng 1 năm 1949, tại một căn cứ ở Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, theo quyết định của Đảng Cộng sản Đông Dương, một cuộc họp được tổ chức nhằm thống nhất các toán vũ trang cộng sản Lào, thành một tổ chức quân sự chung, lấy tên gọi Bộ đội Latsavong (ລາດຊະວົງ), do Kaysone Phomvihane làm chỉ huy trưởng.[1][2] Đây được xem là khởi thủy của Quân đội Nhân dân Lào và ngày 20 tháng 1 năm 1949 được chọn là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Lào.

Với sự hỗ trợ của Việt Minh, lực lượng Latsavong nhanh chóng mở rộng quy mô, thành lập các chiến khu ở Thượng Lào, Đông Bắc Lào và Tây Lào. Tháng 8 năm 1950, tổ chức Neo Lào Issara được thành lập theo mô hình Mặt trận Liên Việt ở Việt Nam, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào. Bộ đội Latsavong cũng được đổi tên thành Bộ đội Lào Issara (ລາວອິດສະລະ). Mặt dù vậy, vai trò của bộ đội Lào Issara khá khiêm tốn, giới hạn quy mô tác chiến du kích trong các hoạt động chống lại quân Pháp và lực lượng phụ trợ Quân đội Hoàng gia tại Lào.

Tuy nhiên, tình hình thay đổi kể từ sau khi phía Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện thành công Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, liên thông với các căn cứ của Neo Lào Issara ở Thượng Lào và Đông Bắc Lào. Lực lượng bộ đội Lào Issara cũng được mở rộng và phát triển quy mô tác chiến. Đầu năm 1953, liên quân Quân đội Nhân dân Việt Nam và bộ đội Lào Issara thực hiện Chiến dịch Thượng Lào, với vai trò chính do Quân đội Nhân dân Việt Nam đảm trách, đã mở rộng được khu vực kiểm soát của chính phủ kháng chiến Lào ra hai tỉnh Sầm NưaXiêng Khoảng, tạo bước ngoặt quan trọng cho phong trào độc lập dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản Lào.

Thắng lợi của liên quân Việt - Lào trong chiến dịch Thượng Lào đã tác động rất lớn trong biến chuyển chiến lược của Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến cục Đông Xuân 1953–1954.[3] Trong chiến cục Đông Xuân 1953–1954, bộ đội Lào Issara giữ vai trò hỗ trợ tích cực cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trong các hoạt động phá vỡ Kế hoạch Navarre, tạo tiền đề dẫn đến trận quyết chiến trận Điện Biên Phủ một năm sau đó với thắng lợi hoàn toàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam, buộc người Pháp phải ký Hiệp định Genève, 1954 và rút quân khỏi Đông Dương.

Căn cứ Hiệp định Genève, Các lực lượng của Pathet Lào (bao gồm cả bộ đội Lào Issara) được tập kết về hai tỉnh Hủa PhănPhong Xa Lỳ. Chính phủ kháng chiến Lào được giải thể để chuẩn bị cho bầu cử tự do thống nhất. Tuy nhiên, bất chấp các kết quả thương lượng giữa Pathet Lào và chính phủ Hoàng gia Lào, từ tháng 10 năm 1954 đến cuối tháng 8 năm 1956, lực lượng quân đội Hoàng gia Lào đã tiến công 685 trận lớn nhỏ vào căn cứ của Pathet Lào. Những người Cộng sản Lào phản ứng, tuyên bố tẩy chay bầu cử ở hai tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng.[4] Họ thành lập Đảng Nhân dân Lào (1955) và Neo Lào Hak Xat (Mặt trận Lào yêu nước, 1956), nhằm mục đích ban đầu tham gia tranh cử. Bên cạnh đó, một đội quân vũ trang trên cơ sở bộ đội Lào Issara (đã giải thể về danh nghĩa), lấy tên gọi là Bộ đội chiến đấu Lào, cũng được tổ chức lại năm 1956, nhằm phản công các cuộc tấn công của quân đội Hoàng gia Lào, bảo vệ các vùng kiểm soát của Pathet Lào.

Ngày 21 tháng 3 năm 1956, sau khi tái nhiệm Thủ tướng, Hoàng thân Souvanna Phouma đã mở một cuộc đối thoại với người anh em của mình, Hoàng thân Souphanouvong để thống nhất lãnh thổ Lào. Chính phủ Hoàng gia Lào (cánh hữu), phái trung lập và Neo Lào Hak Xat (cánh tả) sau các cuộc đụng độ đã miễn cưỡng ký kết Hiệp định Viêng Chăn, đi đến thành lập chính phủ liên hiệp Lào một năm sau đó. Một số đơn vị của Bộ đội chiến đấu Lào cũng được sát nhập vào quân đội Hoàng gia Lào,[2] cũng như một bộ phận lực lượng Pa thét Lào đã ra công khai hoạt động hợp pháp, tuyên truyền mở rộng uy tín của Neo Lào Hắc Xạt.[4]

Liên quan

Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 7, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 1, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Quân khu 5, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 9, Quân đội nhân dân Việt Nam Quần đảo Trường Sa